Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư bắt đầu tập trung “rót” tiền vào các dự án đất nền ở tỉnh với giá cả phải chăng nhưng lại thu được món lợi lớn. Vậy rốt cuộc điều đó là có thật hay chỉ là chiêu trò do các “cò đất” vẽ ra?
Viễn cảnh tươi đẹp hay chiêu trò?
Đất nền các tỉnh có sự tăng trưởng tốt, nhiều nhà đầu tư đã được hưởng lợi lớn nhưng chính sự tăng trưởng quá nóng đó khiến nhiều chủ đầu tư đã không còn giữ được chữ tín với khách hàng.
Đơn cử như đất nền tại Phổ Yên (Thái Nguyên) được quảng cáo là có tiềm năng về kinh tế, du lịch,…là điểm sáng trong đầu tư bất động sản với giá mỗi suất đầu tư 100m2 lên tới gần 1 tỷ đồng. Thế nhưng trong thực tế, khu vực này cách xa thành phố đến 20km, ngoài khu công nghiệp có công ty Samsung thì không còn tiềm năng nào khác. Một số nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì giá không nhúc nhích, có căn hạ giá nhưng cũng không thể “nhúc nhích” giao dịch nổi vì không có người hỏi mua.

Hay như đất nền Thanh Hóa, gây sốt trong giới bất động sản suốt thời gian vừa qua cũng được các “cò đất” “vẽ” ra một viễn cảnh tươi đẹp của thành phố mở rộng và khu vực phía đông của thành phố. Tuy nhiên, trong thực tế tiềm năng du lịch chỉ có ở thị xã Sầm Sơn, khu kinh tế Nghi Sơn cũng cách xa khu vực này…Nhiều nhà đầu tư đã lỡ “rót” tiền vào dự án này vẫn đang bị mắc kẹt, không thể xoay xở quay vòng vốn được.
Việc “vẽ” ra tiềm năng phát triển của các khu bất động sản này là chiêu trò của các “cò đất” hòng trực lợi từ các dự án “ma”. Nhà đầu tư chưa nhìn thấy đất, chưa thấy tiềm năng đâu mà chỉ thấy “chiêu” truyền thông quy hoạch đã đổ tiền vào khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ theo phong trào lỗ nặng.
Cảnh báo “ôm bom”
Ngay từ đầu năm 2019, không ít dự án vùng ven như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc…đã tạo sóng với những khoản chênh lệch lớn với khoản chênh mỗi lô đất nền lên đến 500 – 600 triệu đồng. Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, đất nền ở một số tỉnh bị thổi giá trong thời gian qua và đạt đến một mức cao có thể sẽ xảy ra tình trạng bán tháo, cắt lỗ. Những dự án “ma” này sau khi được phân lô bán xong, thu được tiền rồi thì liền bỏ hoang khiến việc triển khai dự án bị trì trệ, làm nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí là phá sản.

Phía luật sư cảnh báo nên thận trọng với những giao dịch đất nền ở tỉnh có giá chênh cao bất thường để tránh các rủi ro như khó đòi lại tiền hay dự án bị trì trệ, , có rất nhiều khu phân lô bán nền xong, 10 năm sau vẫn là khu đất trống. Đó là câu chuyện liên quan đến định hướng phát triển, cũng như dự án đó nằm ở vị trí như thế nào. Bên cạnh đó, Hội Môi giới còn đưa ra cảnh báo tại một số khu vực có thể tiếp tục xuất hiện tình trạng tự san lấp đất nông nghiệp, đất rừng, nhằm lập các dự án phân lô bán nền trái quy định.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản đất nền ở tỉnh bị các “cò đất” sử dụng chiêu trò thao túng làm giá đất lên cao nhưng cũng hạ nhiệt nhanh chóng, khiến giao dịch gần như bị đóng băng hoàn toàn khiến nhiều nhà đầu tư “chết chìm” sau cơn sốt. Vì vậy khi quyết định “rót” tiền vào các dự án đất nền ở tỉnh, các nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, đừng ham rẻ ham lợi nhuận mà “tiền mất tật mang”.