Kẻ gian đã nhờ người giả chủ nhà ký hợp đồng ủy quyền cho người khác, người được ủy quyền thực hiện thủ tục mua bán nhà trót lọt.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Triệu Hoài Phong (ngụ Phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) cho biết đã bị kẻ gian lừa tráo sổ đỏ thật của gia đình rồi bán cho người khác
Nhà bị cầm, chủ nhà không hay biết
Ông Phong trình bày: Tháng 12-2018, vợ chồng ông mua căn nhà ở mặt tiền đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM. Khoảng một tháng sau, vợ chồng ông Phong quyết định bán căn nhà trên.
Ông Phong đã nhờ môi giới rao thông tin bán nhà trên các trang giới thiệu bất động sản với giá 12 tỉ đồng. Có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng không được giá nên ông không bán. Cũng thời điểm đó, có một nhóm người đến xem nhà và yêu cầu xem sổ đỏ bản chính. Khi xem xong, họ trả sổ và không quay lại nữa.
Đến ngày 16-7-2019, ông nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên Ngân hàng A. hỏi căn nhà của ông đã thế chấp ngân hàng rồi sao lại mang đi rao bán. Lúc này ông Phong mới tá hỏa và đến ngay Ngân hàng A. để tìm hiểu.
Đến đây thì được biết căn nhà trên không còn mang tên ông nữa mà được chuyển sang tên ông V. Ông V. đã mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay tám tỉ đồng.
Dù sổ đỏ đang cầm trên tay nhưng ông Phong vẫn rất lo nên đã mang đến các văn phòng công chứng để kiểm tra. Sau khi kiểm tra, tất cả công chứng viên đều khẳng định sổ đỏ ông đang cầm là… sổ giả.
Sau khi phát hiện ra sự việc lừa đảo trên, ông Phong đã nộp đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.
“Dù rất hoang mang nhưng cố xâu chuỗi lại thì tôi chắc chắn một điều tôi đã bị những người giả đi xem nhà tráo sổ đỏ thật của tôi khi yêu cầu tôi đưa bản chính cho xem và đưa lại cho tôi sổ đỏ giả. Vợ chồng tôi chạy cả hơn trăm cây số đến văn phòng công chứng ở huyện Đức Hòa, Long An, nơi kẻ gian giả mạo vợ chồng tôi ký hợp đồng ủy quyền cho người tên Đ.
Vừa xem xong hợp đồng tôi thấy có vấn đề ngay. Bởi trong hợp đồng ủy quyền, ngày cấp trong chứng minh thư của tôi không đúng. Đồng thời, chữ ký trong hợp đồng ủy quyền khác hoàn toàn với chữ ký thật của vợ chồng tôi. Giờ tôi chỉ mong cơ quan công an sớm tìm ra người lừa đảo và bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng tôi” – ông Phong bức xúc.

Trao đổi với PV, phía Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác nhận cơ quan điều tra đã tiếp nhận tin tố giác tội phạm của ông Phong về việc ông bị kẻ gian tráo sổ đỏ, giả mạo chữ ký lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện cơ quan điều tra đang trong quá trình điều tra, thụ lý.
Vậy với vụ việc trên, quyền lợi của ông Phong đối với căn nhà đã được chuyển nhượng cho người khác mà chủ nhà không đứng ra bán như thế nào?
TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Ở đây cần xác định rõ là chủ nhà có thật sự đứng ra bán căn nhà này không. Nếu là không và sự thật như chủ nhà phản ánh thì hợp đồng giữa người được ủy quyền và người mua mới là giao dịch vô hiệu. Vì thế, hợp đồng thế chấp sổ đỏ thật ở ngân hàng cũng là vô hiệu. Hiện nay, việc ngân hàng giữ sổ đỏ thật chẳng qua là một kết quả của việc lừa dối từ người ủy quyền giả chứ không phải là ý chí thật của chủ nhà.
TS Tiến cho rằng nếu vụ việc này có yếu tố hình sự thì khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và tòa án sẽ xem xét, giải quyết những vụ việc liên quan đến sổ đỏ này.
Ngoài ra, trong vụ việc này chủ nhà, người mua nhà mới và ngân hàng là những người, tổ chức bị lừa đảo. Tuy nhiên, xét về quyền lợi đối với căn nhà thì chủ nhà cũ mà cụ thể là ông Phong phải được khôi phục, được trả lại sổ đỏ.
Riêng đối với người mua nhà mới, vì giao dịch mua bán là vô hiệu nên người này có quyền kiện người được ủy quyền giả để lấy lại tiền.