Có những câu chuyện đáng buồn đã xảy ra về mâu thuẫn giữa thành viên trong gia đình đối với nhà cửa, đất đai mà ông bà đột ngột ra đi nhưng không để lại di chúc. Nguyên nhân xuất phát từ việc các bên không hiểu rõ hoặc hiểu không đúng các quy định pháp lý về đất đai và hành động theo cảm tính. Hãy cùng hiểu thêm về nội dung sau đây để sống và làm việc đúng theo pháp luật.
Trước tiên cần hiểu rõ về thừa kế? Và quy định các hàng thừa kế trong gia đình như thế nào?
Quy định về việc thừa kế nếu không có di chúc
Trong nghị Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định như sau:
Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Như vậy, việc phân chia đất khi ông bà để lại không có di chúc sẽ do pháp luật phân xử.
Các đối tượng của hàng thừa kế
Điều 651 bộ Luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật, theo đó hàng thừa kế được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Xét đến trường hợp ông bà mất không để lại di chúc, thì thứ tự ưu tiên sẽ là những người ở hàng thừa kế thứ nhất, sau đó đến các hàng kế tiếp. Cụ thể di sản mà ông bà để lại sẽ được chia đều cho tất cả các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất.
Đất đai, nhà ở hoặc các bất động sản khác luôn là một tài sản thừa kế có giá trị cao nhất nên luôn tồn tại những yếu tố phát sinh tranh chấp tiềm ẩn nếu các bên không hiểu rõ hoặc hiểu không đúng các quy định pháp lý về đất đai. Hy vọng bài viết trên đây phần nào giải đáp thắc mắc của các bạn đọc về việc tranh chấp quyền thừa kế khi không có di chúc của người đã mất.